[Radio] Sự tích Ngôi Sao Giáng Sinh

Bạn có để ý rằng một trong những hình tượng được trang trí nhiều nhất trong mùa Giáng sinh là các ngôi sao không? Ngôi sao được đặt trên ngọn cây thông Noel, trên đỉnh Nhà thờ với các chùm đèn hoa tỏa xuống như ban phước lành cho mọi người; và mùa Giáng sinh cũng còn được gọi là "mùa sao sáng". Đó chính là biểu tượng của ngôi sao Giáng sinh, còn gọi là ngôi sao Bethlehem.



Ngôi sao Giáng sinh trên bầu trời đêm


Chương trình Radio Thiên văn với chủ đề "Sự tích ngôi sao Giáng Sinh" được thu âm và phát trên trang web của CLB Thiên văn Bách khoa (hiện nay là CLB Thiên văn Đà Nẵng) ngày 21 tháng 12 năm 2008.

Kinh Thánh (Matthew 2: 1-10) viết rằng:

Khi Chúa Jesus giáng sinh ở Bethlehem, dưới thời vua Herod, có ba nhà thông thái từ phương đông đi sang Jerusalem gặp Herod và hỏi nhà vua: "Xin Ngài cho biết vua của người Do Thái (tức là Jesus) được sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao sáng của nhà vua ấy xuất hiện ở phương Đông nến muốn đến đó để tôn vinh nhà vua". Vua Herod và mọi người trong thành Jerusalem lúc ấy đã rất ngạc nhiên và bối rối trước câu hỏi của các nhà thông thái. Herod đã triệu tập tất cả các thầy tu và các nhà thông thái trong thành Jerusalem, yêu cầu họ dự đoán nơi mà Jesus sẽ được sinh ra. Họ bảo cho Herod biết rằng, theo dự đoán của một nhà tiên tri thì Jesus sẽ giáng sinh tại Bethlehem, thuộc nước Do Thái (nước Israel ngày nay). Thế là Herod chỉ đường cho 3 nhà thông thái đến Bethlehem để tìm hài nhi vừa giáng sinh, và dặn rằng khi tìm được thì báo cho Herod để ông cùng đến tôn vinh Jesus. Sau đó, ba nhà thông thái lên đường, đi theo hướng của ngôi sao sáng mà họ đã nhìn thấy. Ngôi sao ấy luôn ở phía trước họ, dẫn đường cho họ đến Bethlehem và cuối cùng ngôi sao dừng lại ngay đúng ở nơi mà Jesus đã giáng sinh.

Ba nhà thông thái và cuộc hành trình theo ngôi sao Giáng sinh
Ngôi sao giáng sinh thực chất là gì, hay đó thực sự là quyền năng của Chúa? Suốt nhiều thế kỷ, các nhà thiên văn học đã cố tìm cách lý giải sự xuất hiện của ngôi sao giáng sinh. Nhiều giả thiết đã được đưa ra, và cuối cùng, người ta đã xác định được thực chất của ngôi sao giáng sinh.

Muốn biết được ngôi sao giáng sinh thực chất là gì, trước tiên cần phải xác định khoảng thời gian mà Jesus ra đời, rồi từ đó tìm kiếm các sự kiện thiên văn xảy ra trong khoảng thời gian ấy để tìm ra sự kiện giống với mô tả trong kinh Thánh. Cho đến nay, các nhà sử học vẫn chưa thống nhất với nhau về thời gian mà Jesus ra đời, chỉ có thể biết đó là khoảng năm thứ 8 đến năm thứ 1 trước Công nguyên (TCN). Tuy nhiên, đa số nhà sử học cho rằng Jesus giáng sinh vào khoảng năm 3 hoặc năm 2 TCN. Bây giờ ta sẽ tìm xem có một thiên thể nào xuất hiện trong khoảng thời gian đó giống với mô tả của kinh Thánh (ngôi sao xuất hiện ở phương đông, xuất hiện vào một thời điểm xác định, luôn ở phía trước 3 nhà thông thái khi họ đi từ Jerusalem đến Bethlehem và dừng lại ngay trên Bethlehem, và vua Herod không hề biết sự xuất hiện của nó trước khi 3 nhà thông thái nói với ông).




Đó là một thiên thạch chăng?

Chúng ta biết rằng, thiên thạch là những khối đất đá trôi dạt trong vũ trụ. Khi chúng bay vào bầu khí quyển của Trái đất với tốc độ rất lớn, chúng bị ma sát với không khí và bốc cháy, tạo nên một vệt sáng vụt ngang qua bầu trời đêm. Tuy nhiên, các thiên thể bay vụt ngang qua bầu trời theo một hướng bất kỳ (không nhất thiết là từ phương đông), và nó chỉ tồn tại trong vài giây ngắn ngủi, nên không thể là ngôi sao dẫn đường cho ba nhà thông thái tìm đến nơi Jesus giáng sinh được.

Một thiên thạch bay vào bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy
Liệu có thể là một sao chổi không?

Sao chổi là một khối băng chuyển động quanh Mặt trời theo một quỹ đạo rất lớn (thường mất vài năm đến vài chục năm để hoàn thành một chu kỳ). Sao chổi đúng là mọc ở hướng đông và xuất hiện trong nhiều ngày. Tuy nhiên, thời xa xưa con người cho rằng sao chổi xuất hiện là báo hiệu điều chẳng lành, rằng sự xuất hiện của nó luôn kéo theo những thảm họa như chiến tranh, thiên tai, … Cho nên sao chổi không thể là "sứ giả" của Thượng đế để báo tin vui cho nhân loại. Điều quan trọng hơn nữa là các tài liệu thiên văn không ghi nhận sự xuất hiện của một sao chổi nào trong khoảng thời gian năm thứ 3, 2 trước Công nguyên. Một chi tiết nữa bác bỏ giả thiết về sao chổi là, nếu sao chổi xuất hiện thì vua Herod đã biết (vì ông cũng có các nhà thiên văn chuyên quan sát bầu trời hàng ngày) chứ không cần phải hỏi các nhà thông thái.

Sao chổi Halebopp
Thế có phải là một ngôi sao siêu mới không?

Sao siêu mới là ngôi sao mới được hình thành từ một vụ bùng nổ. Do đó, nó xuất hiện đột ngột vào một thời điểm xác định tồn tại trong thời gian dài, có thể sáng rực rỡ và cũng mọc từ hướng đông. Tuy nhiên, các quan sát thiên văn cũng không ghi nhận một vụ nổ sao siêu mới nào trong thời gian năm 3, 2 trước Công nguyên.

Một vụ nổ sao siêu mới (supernova)
Như vậy thì ngôi sao giáng sinh còn có thể là gì nữa?

Một chi tiết quan trọng là nhà vua Herod không hề biết đến sự xuất hiện của ngôi sao ấy cho đến khi 3 nhà thông thái nói với ông về nó. Và khi 3 nhà thông thái đã chỉ ra ngôi sao ấy, thì vua Herod cũng như tất cả mọi người trong thành Jerusalem lúc đó đều có thể nhận ra ngôi sao ấy trên bầu trời. Như vậy, có thể giả thiết rằng ngôi sao giáng sinh là một cái gì đó rất bình thường trên bầu trời đêm nên mọi người không chú ý đến, nhưng khi được chỉ ra thì người ta mới chú ý đến sự đặc biệt của nó. Vậy, có hiện tượng gì đặc biệt xảy ra trong một đêm bình thường vào khoảng năm 3 hoặc 2 trước Công nguyên không? Câu trả lời là "Có".

Ta biết rằng, các hành tinh trong hệ Mặt trời chuyển động xung quanh Mặt trời với tốc độ khác nhau: các hành tinh càng gần Mặt trời thì chuyển động càng nhanh so với các hành tinh ở xa Mặt trời. Cho nên, từ Trái đất quan sát, ta sẽ thấy có những lúc hành tinh này vượt qua hành tinh kia. Hiện tượng này được gọi là "giao hội", xảy ra khá phổ biến trên bầu trời đêm. Khi hai hoặc nhiều hành tinh tiến đến rất gần nhau rồi thẳng hàng với nhau, ta nhìn thấy như chúng nhập vào với nhau thành một hành tinh rất sáng. Tài liệu thiên văn ghi nhận có 9 lần giao hội xảy ra trong khoảng thời gian năm 3 đến năm 2 trước Công nguyên, trong đó, lần giao hội giữa sao Kim và sao Mộc xảy ra vào ngày 12 tháng 8 năm thứ 3 trước Công nguyên có những đặc điểm rất giống với mô tả của kinh Thánh về ngôi sao giáng sinh. Buổi sáng ngày hôm ấy, sự giao hội giữa sao Kim và sao Mộc xảy ra tại vị trí gần với sao Regulus (là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư tử). Ta sẽ tìm hiểu kỹ sự giao hội này.

Sao Mộc và sao Regulus trong chòm sao Sư tử
Trước hết là về mặt ý nghĩa. Sao Mộc – Jupiter – được đặt theo tên của vị thần vĩ đại nhất trong thần thoại La Mã, là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời (đường kính gấp 11 lần và khối lượng gấp 300 lần Trái đất), và sao Mộc được xem là vua của các hành tinh. Sao Kim – Venus – được đặt theo tên Nữ thần sắc đẹp trong thần thoại Hy Lạp, là hành tinh sáng nhất trên bầu trời đêm. Sao Regulus là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Sư tử được đặt theo chữ "regal", nghĩa là (thuộc) đế vương, vua chúa; và sao Regulus được xem là vua của các vì sao. Do đó, sự hội ngộ của các ngôi sao này vào đúng thời điểm năm mới của người Do Thái (khoảng tháng 8, 9 Dương lịch) có thể coi là "sứ giả" báo tin tốt lành về một vị vua sắp chào đời – Jesus.

Ngày 14 tháng 9 năm 3 TCN, sao Mộc tiến đến giao hội với sao Regulus lần thứ nhất, chạy ngang qua nó, dừng lại, chạy ngược trở lại giao hội với sao Regulus lần thứ hai vào ngày 17 tháng 2 năm 2 TCN, sau đó lại dừng lại, chạy ngược trở lại và giao hội với sao Regulus lần thứ ba vào ngày 8 tháng 5 năm 2 TCN. Chuyển động như vậy được gọi là chuyển động giật lùi của các hành tinh. Nguyên nhân là do ta quan sát sao Mộc từ Trái đất, mà Trái đất thì ở quỹ đạo gần Mặt trời hơn và chuyển động nhanh hơn sao Mộc. Điều này cũng giống như khi bạn chạy xe trên đường và vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn. Ban đầu, bạn nhìn thấy chiếc xe ấy chuyển động về phía bạn, rồi dừng lại (biểu kiến) khi chiếc xe ấy ngang bằng với bạn và cuối cùng chuyển động ra xa bạn khi bạn đã vượt qua nó. Như vậy, bạn có cảm giác rằng chiếc xe ấy chuyển động giật lùi (ban đầu chạy đến bạn, dừng lại và cuối cùng chạy ra xa bạn). Như vậy, nhìn từ Trái đất, ta thấy giống như sao Mộc (vua của các hành tinh) đang "khiêu vũ" với sao Regulus (vua của các vì sao) - một biểu tượng của sự đăng quang.

Ngôi sao Giáng sinh trên bầu trời đêm

Ngày 17 tháng 6 năm 2 TCN, sao Mộc, sao Kim và sao Regulus cùng tiến đến giao hội. Quan sát từ Trái đất, ta thấy ba ngôi sao này chồng chập lên nhau, độ sáng của chúng tăng cường cho nhau tạo nên một ngôi sao sáng chói trên bầu trời đêm, về phía Đông nếu nhìn từ Babylon (nơi 3 nhà thông thái khởi hành) và về phía Nam nếu nhìn từ Jerusalem. Do đó, khi các nhà thông thái đi theo hướng Nam từ Jerusalem (sau khi gặp vua Herod) đến Bethlehem, ngôi sao này luôn ở phía trước họ như kinh Thánh mô tả. Ngày 25 tháng 12 năm 2 TCN, khi các nhà thông thái đến thị trấn nhỏ Bethlehem, họ nhìn thấy ngôi sao ấy "treo" ngay trên bầu trời nơi ấy, nơi mà Đấng cứu tinh đã giáng sinh.

Nguồn bài viết: Internet
CLB Thiên văn Bách khoa - PAC
[Radio] Sự tích Ngôi Sao Giáng Sinh [Radio] Sự tích Ngôi Sao Giáng Sinh Reviewed by Unknown on Chủ Nhật, tháng 12 21, 2008 Rating: 5

Không có nhận xét nào

Đăng ký thành viên