Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 4/2010

BTC cuộc thi tìm hiểu kiến thức thiên văn “ Vũ trụ trong mắt ta” xin trân trọng cám ơn đến tất cả các bạn yêu thích thiên văn học đã quan tâm và gửi bài dự thi về cho chúng tôi. Trong 1 tháng vừa qua, BTC đã nhận được khá nhiều bài thi của các bạn trên khắp đất nước. Điều này đã phần nào thể hiện được sự quan tâm của đông đảo bạn yêu thiên văn khắp mọi miền.



Tuy nhiên, có một điều hơi đáng tiếc là khá nhiều bài dự thi không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đa số các bạn đều bỏ qua phần tự luận hoặc chỉ trả lời rất sơ sài. Bởi vậy BTC đã gặp khá nhiều khó khăn để lựa chọn được những bài viết ưu tú để trao giải.

BTC mong muốn trong những lần thi tiếp theo các bạn sẽ chú ý hơn đến vấn đề này.

Qua xem xét kỹ càng, BTC đã lựa chọn được 3 bài dự thi xứng đáng nhất để trao giải. Cụ thể như sau:

Giải nhất:
Họ và tên: Lò Nhất Linh
Ngày sinh: 19/09/1989
Địa chỉ: Đội II, làng Ba, xã Ban Công, huyện Bá Thước, Thanh Hóa.
Điện thoại: 0982.846.910

Giải nhì:
Phạm Trọng Nghĩa
Ngày sinh: 23/8/1991
Thôn 5, Lộc Ninh - Đồng Hới – Quảng Bình
Điện thoại: 01683.831.072

Giải ba:
Họ và tên: Đặng Tuấn Duy
Ngày sinh: 19/08/1985
Địa chỉ: 68/4 Nguyễn Thái Sơn P3, Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0909.768.379

BTC sẽ liên hệ trực tiếp với những người đạt giải để trao giải thưởng
Phần tự luận của các bài dự thi đạt giải BTC sẽ lần lượt đăng trên diễn đàn và trang tin.

Hãy cùng chờ đón những điều bất ngờ và khám phá thú vị từ đề thi tháng tiếp theo sẽ được công bố vào ngày: 1/5/2010

Mọi thắc mắc và đóng góp ý kiến xin vui lòng gửi thư về theo địa chỉ vutrutrongmatta@pacvn.net

--------------------

Dưới đây là phần tự luận của những người đoạt giải:

1. Bài của Lò Nhất Linh

Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in câu chuyện cách đây đã 15 năm về trước. Khi nghĩ về thời điểm đó tôi vẫn nhận thấy cảm giác lâng lâng khó tả vẫn còn lẩn khuất đâu đây, chính cái cảm giác đó đã khơi nguồn đam mê, yêu thích thiên văn học. Nó lôi cuốn, dẫn dắt tôi khám phá những điều kì diệu của vũ trụ bao la, các vì sao?mà ở đó tồn tại sự li kì, hấp dẫn tạo nên những cảm xúc thật đặc biệt trong tôi.

Khi đó, tôi mới khoảng 5 tuổi, mới bắt đầu đi học mẫu giáo. Vì nhà tôi ở miền núi, nằm tại một thung lũng rất đẹp và nên thơ thuộc một huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, là người dân tộc Thái, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Quanh năm bố mẹ phải lên nương phát rẫy trồng sắn, ngô để nuôi anh em tôi ăn học. Ruộng cũng có nhưng rất ít, chỉ sản xuất được hai vụ, một vụ thì chỉ đủ nước sản xuất có nửa diện tích. Cho nên lúa làm ra chỉ đủ ăn trong nửa năm, còn vào mùa giáp hạt phải ăn cơm độn với sắn gạc nai, với ngô. Tuy khó khăn như vậy nhưng gia đình tôi vẫn sông hạnh phúc, vui vẻ. Do điều kiện sông như vậy nên đời sống văn hóa cũng như sự hiểu biết của phần lớn nhân dân còn hạn chế. Những rất may cho tôi là được sống trong môi trường gia đình tốt. Bố mẹ luôn muốn truyền đạt sự hiểu biết cho con và mong muốn sau này sẽ hiểu biết nhiều hơn. Bố tôi là người rất thích tìm hiểu những vấn đề liên quan đến khoa học, mặc dù phải làm lụng cả ngày nhưng ông vẫn dành thời gian chỉ bảo, khơi gợi trong tôi những bài học đầu tiên về thế giới tự nhiên. Khiến tôi luôn tò mò và tự mình đặt ra những câu hỏi, rất muốn biết vì sao lại như thế? Và câu hỏi ?vì sao?? luôn tồn tại trong tôi.

Ngày đó tôi và thằng em trai có một cái hộp đựng đồ chơi bằng thùng giấy cacton ; mỗi khi lấy đồ chơi và hết giờ lại vứt chúng vào đấy. Cái thùng đó có hình quả địa cầu được vẽ thang lưới kinh vĩ tuyến và có hình các lục địa. Tôi vẫn nhớ hình vẽ đó được tô màu xanh dương, các lục địa không được gióng cho lắm vì đó chỉ là mô hình quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa. Nếu không nhầm thì đó là thùng đựng mì chính hay mì tôm gì đó. Tôi cũng không chú ý cái hình vẽ đó lắm vì không rõ nó là gì và nó cũng chẳng quan trọng với tôi.

Nhưng có một hôm, sau khi đi làm về bố sang chỗ cái hộp lấy một thứ gì đó, rồi nhìn vào cái hình trên thùng đồ chơi của tôi sau đó quay sang hỏi tôi: ?Con có biết đây là hình vẽ gì không?? Tôi bất ngờ vì câu hỏi đó. Tôi nghĩ đó chỉ là một hình vẽ bình thường và không biết nên trả lời: ?Con không biết, thế đây là gì hả bố??. Bố nhìn vào hình vẽ đó và nói: ?Đây là mô hình quả Địa cầu, tức Trái Đất chúng ta đang sống đấy, còn những hình vẽ méo mó này là các lục địa, trên đó có các quốc gia và con người sinh sống; Việt Nam mình cũng nằm trên đây.? Sau đó ông chỉ cho tôi vị trí của lãnh thổ Việt Nam: ?Đây là nước Việt Nam ta ? Việt Nam nằm ở đây, con thấy chưa, nước mình chỉ nhỏ thế này thôi, nó có hình chữ S?. Vừa nói bố vừa lấy bút bi mạc lại hình chữ S kia và vẽ hình bản đồ Việt Nam lên vị trí đấy. Tôi chú ý quan sát và ồ lên, hình như có một cảm xúc mới vừa đi qua trong tôi: ?Ah ! Hóa ra Việt Nam mình ở chỗ này và chỉ nhỏ như vậy thôi sao!??. Tôi liền vội liên tưởng; như thế thì Trái Đất to đến mức nào nhỉ? Và con người sẽ nhỏ bé cỡ nào!?... Bao nhiêu ý nghĩ, câu hỏi chợt ùa về trong tôi. Cảm nhận lúc bấy giờ thật khó tả; những cảm nhận hết sức thú vị mà tôi từng gtrair bao giờ. Tôi đã biết hình dạng của lãnh thổ Việt Nam trước đó khi xem tivi và sách báo nhưng bây giờ tôi mới biết nó sẽ được đặt tại vị trí đó trên quả địa cầu và còn nhiều quốc gia khác nữa.

Từ đó tôi thường xuyên nhìn vào hình vẽ mà bố tôi đã chỉ cho vị trí của đất nước Việt Nam và luôn tự nói với mình rằng: ?Việt Nam nằm ở vị trí đó và nó có hình chữ S?. Tôi có cảm giác như vừa khám phá ra một điều hết sức lý thú, kì diệu, khó có thể tưởng tượng nơi tôi và mọi người đang sống lại có thể nằm trên một cái thùng cactong !? Tôi bắt đầu tò mò và muốn biết thêm nhiều hơn nữa. Khi thấy điều gì khó hiểu tôi muốn tìm hiểu rõ ngọn nguồn của vấn đề, tại sao lại như vậy? Mỗi khi có câu hỏi tôi thường hỏi bố những điều đang thắc mắc trong suy nghĩ trẻ thơ của mình. Và tất nhiên là bố tôi sẽ giải thích theo cách hiểu, truyền đạt của ông cho những đứa trẻ như tôi.

Khi tôi hỏi tại sao lại có ngày, đêm, bố đã dùng những đồ vật có sẵn trong nhà lúc đó và giảng cho tôi như thế này; chỉ vào bóng đèn điện (bóng tròn) bố tôi nói: ?Con hãy coi bóng đèn này giống như Mặt Trời?, sau đó cầm lấy quả bóng nhựa mà anh em tôi vẫn hay đá với nhau giơ lên chỉ cho tôi: ?Trái Đất có hình cầu tương tự quả bóng này, và con hãy quan sát xem nó sẽ như thế nào nhé!? bố tôi đưa quả bóng đi xung quanh bóng đèn và giảng giải: ?Khi quay quanh Mặt Trời như thế này, chỉ một nửa Trái Đất nhận được ánh sáng chiếu từ Mặt Trời như quả bóng này, chỉ nhận được một phần ánh sáng của bóng đèn. Khi đó phần được chiếu sáng là ban ngày, còn phần không được chiếu sáng là ban đêm như bây giờ đây. Đồng thời khi quay quanh Mặt Trời, Trái Đất cũng quay quanh trục của mình và một vòng quay hết một ngày nên sẽ có ngày và đêm như ta thấy?. Tôi ngồi nhìn bố thực hiện ví dụ và rất chăn chú lắng nghe, cảm thấy thích thú vô cùng, tôi bắt đầu hiểu lờ mờ về ngày, đêm, Mặt Trăng, Trái Đất.Thật kì diệu. Con đường dẫn dắt tôi tới niềm đam mê thiên văn bắt đầu từ những câu chuyện đơn giản như vậy, đó là những bài học đầu tiên mà bố tôi là người truyền đạt.

Đến khi bắt đầu đi học cấp I, tôi rất thích tập vẽ bản đồ Việt Nam, muốn vẽ cho thật giống. Lúc đầu chưa làm được nhưng sau một thời gian, quá trình vẽ nhiều, học hỏi các anh chị đi trước, tôi đã có thể vẽ khá tốt. Đến lớp 5 tôi có thể vẽ bản đồ cho các giáo viên làm đồ dùng dạy học, và lên cấp II tôi đã có thể vẽ bản đồ thế giới mà không cần nhìn sách. Tôi là học sinh có thể nhận biết vị trí của các lãnh thổ, quốc gia trên thế giới một cách nhanh nhất.

Tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm như vậy. Sau này tôi đã đọc sách, báo và biết nhiều hơn về các vì sao, các thiên hà?tôi thật sự bị lôi cuốn bởi sự kì diệu của tạo hóa, nó gây ra những cảm xúc vô cùng lạ lùng trong tôi. Tôi bắt đầu quan sát, suy nghĩ và ước rằng sẽ tìm thấy một cái gì đấy mới mẻ trong vũ trụ bao la kia, tôi ước mình có thể đi xuyên không ? thời gian để tìm hiểu mọi bí ẩn của thế giới.

Cho đến bây giờ, thiên văn học đã là một phần trong cuộc sống của tôi. Nó bắt nguồn từ những tình huống, được khơi nguồn từ tuổi thơ, từ những câu chuyện, bài học đơn giản mà bố là người truyền đạt đầu tiên?


2. Bài của Phạm Trọng Nghĩa

Đó là khi tôi còn nhỏ. Tôi không ngững mơ thấy những vì sao lung linh trên trời, Mặt Trăng với chị Hằng và chú cuội, ông Mặt Trời với bộ râu dài vàng chói. Tôi không rõ tôi thích bầu trời từ bao giờ, chỉ biết rằng mỗi lần nhìn lên bầu trời đêm sâu thẳm, nơi được dát những hạt ngọc lấp lánh đó, tôi như thấy mình ở một thế giới khác, nhẹ nhàng, thênh thang. Và bây giờ cũng thế!

Thuở nhỏ, thật buồn cười khi tôi luôn so sánh Mặt Trăng với những tòa nhà to nhất mà tôi từng thấy. Đối với một thằng nhóc như tôi dạo đó, những tòa nhà là thứ mênh mông nhất mà tôi có thể thấy được. Lớn lên một chút, những tòa nhà trở nên nhỏ bé so với suy nghĩ đang lớn đần lên trong tôi. ?Liệu nó có to bằng quả núi kia không nhỉ??- tôi tự hỏi. Rồi từ quả núi lớn lên thành những đại dương, những châu lục hay thậm chí là cả quả đất dần được tôi đem ra so sánh. Chúng đánh dấu những cột mốc trong quá trình nhận thức của tôi với thế giới hay chí ít là sự trưởng thành trong nhận thức về kích thước ^^. Mặt Trăng đã theo tôi trong một quãng thời gian dài như thế. Nó mang đến cho tôi một sự lạ lẫm, thú vị và mong muốn được khám phá. Tôi luôn háo hức mỗi lần trăng tròn, không chỉ vì những ngày trăng rằm mà bởi đơn giản trăng 16 thật đẹp !

Lên lớp 7, niềm vui thú của tôi đối với trăng vẫn không hề thay đổi và bên cạnh đó tôi đã biết tên các chòm sao, tôi biết Orion, biết Đại Hùng, 12 chòm Hoàng Đạo (mặc dù, thú thực mà nói, tôi chỉ biết mỗi cái tên và hết). Ở quê tôi trời đầy sao, có những ngôi sao to, có những ngôi sao nhỏ, có sao xanh, có sao vàng. Tôi thường leo lên mái ngói của khu bếp vào mỗi buổi tối. Ở đó, tôi thả mình vào những suy tư, những mộng tưởng về những thế giới mới lạ đâu đó trên kia. Có lúc tôi nằm ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi nhận thấy bầu trời sao không phải lúc nào cũng giống nhau. Mùa đông thì khác mùa hạ? Câu hỏi đó cứ đeo đẳng tôi một thời gian dài cho đến khi tình cờ đọc được trong một cuốn sách rằng chính hành trình của Trái Đất chúng ta quay quanh Mặt Trời đã làm nên sự khác biệt đó. Hả hê với những gì mới phát hiện được, tôi thưởng cho mình một buổi tối toàn sao, không bài vở, không học hành, không gì hết.

Cuộc sống tươi đẹp của tôi với bầu trời vẫn diễn ra như thế. Hằng đêm tôi trèo lên mái ngói khu bếp để tận hưởng những khoảng khắc của tôi. Cho đến một ngày, những cơn mưa dầm mùa hạ kéo đến, căn bếp nhà tôi bị dột. Bố phát hiện ra một số ngói bị vỡ và câu chuyện tôi thường leo lên mái bếp dần bị đưa ra ánh sáng. Kể từ đó câu chuyện đẹp cảu tôi, mái ngói và bầu trời chấm dứt, bố cấm tôi không được leo lên mái nhà lần nữa.

Giờ thì tôi đã lớn, mỗi lần nghĩ lại kỉ niệm đẹp đó, tôi vẫn thường bật cười một mình. Có thể tôi sẽ không còn được leo lên mái ngói để ngắm sao một lần nữa nhưng câu chuyện cảu tôi với bầu trời vẫn tiếp tục. Giống như khi bạn tìm được một người bạn tri kỉ, bạn sẽ không bao giờ rời xa. Chỉ cần đừng có ai đó tước mất bầu trời của tôi, tôi mãi mãi là một thằng bé hạnh phúc!


3. Bài của Đặng Tuấn Duy

Mọi chuyện liên quan tới thiên văn của tôi bắt đầu khi tôi học lớp 7, khi mà nhìn lên bầu trời và hỏi bố tôi: ?nó là ngôi sao hả bố? thế sao lại có cái màu xanh màu đỏ vậy?? Thế là tình yêu của tôi với thiên văn bắt nguồn từ đó. Thấm thoát, những câu hỏi cơ bản có vẻ con nít về những thứ thú vị của bầu trời đã được tôi hỏi ba mình sạch bách, và thế là tôi tự tìm tòi hay ba mua cho vài cuốn sách cơ bản về thiên văn cho tôi đọc. Cũng nhớ thêm rằng thời đó không như bây giờ, trò chơi điện tử hay coffee làm gì ai có tiền nhiều mà chơi. Thế nên ngoài việc học, tôi chỉ vùi đầu vào đọc và trả lời những câu hỏi mà tôi thấy chưa hiểu về thiên văn, dù lúc đó kiến thức của tự thân tôi về thiên văn chưa nhiều. Ba nó nói một câu làm nó nhớ mãi:? bầu trời sao chi chít và long lanh nhưng thực tế còn vô vàn thứ chưa được khám phá và giải đáp, sao con không tự tìm kiếm và học hỏi nó chứ??. Câu nói ấy làm tôi thấy mình như dại ra, bởi chính câu nói ấy như là lời động viên và khuyến khích tôi bắt đầu tự học và khám phá những điều mới về thiên văn. Thực tế từ lúc đó cho tới hết năm 1 đại học, tôi không tìm được ai có chung niềm đam mê như mình cả, chỉ có những cuốn sách đại cương, những lần đi học về coi phim tài liệu hay. Có lần, đi học về chạy đôn chạy đáo tìm cái tivi lúc 11h30 trưa kênh VTV3 để xem chương trình ? Trái đất và Bầu trời? mà quên ăn, tới độ qua nhà hàng xóm coi ké vì ti vi nhà hư mặc kệ bố mẹ chờ cơm. Nghĩ lại sao mình lại ham mê tới mức như thế nhỉ. Nhưng thực sự ham mê thiên văn giúp mình nhiều thứ mà nhiều khi những cái khác chưa chắc đã giúp chúng ta được. Học vừa chơi, nó giúp mình xác định phương hướng, nhìn lên hướng chòm sao, ta có thể chỉ vanh vách hướng nào là hướng Bắc, tại sao các ngôi sao đều quay mà hình như chỉ có 1 cái hình như tối nào cũng như tối nào nằm y một chỗ thì phải. Thế là tôi phải đọc sách và đi hỏi thầy giáo dạy lý, đáp án: ?Sao bắc cực đó em!?. Các bạn đã từng thấy vui như thế nào khi chúng ta từng bước giải đáp được một câu hỏi mà mình chưa biết, mình muốn tìm tòi chưa. Hay đã từng nghe người lớn hù: ?cháu mà nghịch là ông sao chổi xuất hiện sẽ gieo niềm xui xẻo hoặc có khi bắt cháu đi thật xa?. Cả ngày hì hục cắm que chờ bóng nắng, đo từ sáng tới chiều để xác định hướng hay tính nhẩm giờ tính từ lúc bóng nắng tới lúc mặt trời lặn, có nhiều lúc mẹ mình không biết lại bảo mình rỗi hơi. Nhưng thực ra rất vui chứ. Thiên văn nó có nhiều thứ khác lạ, hơi huyền bí nhưng làm cho ta tin một phần nào đó. Bởi lạ ở chỗ không tự nhiên mà nó bắt chúng ta thức rất khuya, ngồi chỉ có ngẩng đầu mỏi cả cổ ngắm những ngôi sao và tưởng tượng thế này thế kia. Điều lạ thứ hai đó là chỉ có nó mới khiến cho tôi (và cả những bạn yêu thiên văn) cùng bỏ cả đêm hôm dù rất lạnh và nhiều sương nằm cả đêm mà vẽ lại hình những chòm sao và các hành tinh. Cái nào sáng , giờ mọc và giờ lặn như thế nào, hình thù các chòm sao khi nối lại như thế nào. Và đặc biệt hơn, mỗi tối ngắm sao luôn cố gắng nhìn chăm chăm, cố cho được 1 lần thấy sao băng dù trời rất lạnh và ước những điều tốt đẹp cho gia đình và cho người con gái mình thích lúc đó. Nhưng lúc buồn, lại lôi sách ra đọc và mày mò thêm về địa lý khí tượng mà khi đó còn là học sinh với những cuốn sách giáo khoa nhiều thông tin. Mơ ước thì nhiều, nhưng niềm khát khao sở hữu 1 chiếc kính thiên văn thì thật là lớn, bởi cái ống nhòm mình còn chưa thấy qua nữa, vẫn biết là mắc tiền và luôn cố gắng học cùng với những lời động viên của bố: ?con cố gắng học tốt bố sẽ mua cho một cái??. Dù biết là hứa suông nhưng mình vẫn cố gắng vì mình luôn tin là mình sẽ được sở hữu nó. Vậy mà năm tháng cho tới khi hết cấp 3 vẫn chưa bao giờ tới, mặc dù số lượng sách về bầu trời thiên văn đã nhiều ko thua gì những cuốn sách luyện thi ĐH.

Một thời gian tạm ngừng cho việc thi và học đại học, thì một niềm vui mới cũng tới, đó là sự phát triển của internet. Nhờ nó, mình cũng tìm được một số trang web cung cấp kiến thức về thiên văn và các anh chị có cùng sở thích. Thế là những câu hỏi từ xưa tới giờ mới có thêm những thông tin được giải đáp, mới có thêm người để cùng chia sẻ. Cảm xúc ngày nào cũng lên mạng và lưu hàng tá dữ liệu lưu vào cái ổ đĩa mềm 1.44 Mb thật là vui, dù đọc rồi nhưng vẫn lưu về máy cho nặng thêm ổ cứng. Nhưng thật buồn là cho tới ngày tốt nghiệp đại học mình mới được nhìn chiếc kính thiên văn đầu tiên mà mình ao ước, đó là lúc ngó qua kính phản xạ trung quốc của 1 câu lạc bộ thiên văn tại HCM mà mình mãi cho tới năm 2007 mới tham gia. Mặt trăng nhìn thật lớn và chói, với rất nhiều lỗ và vết chằng chịt chẳng khác nào một cái hoang mạc lạnh lẽo, mà lần đầu quan sát luôn làm ta hỏi một câu mà có lẽ tuổi thơ cũng đã từng nghĩ :? Chú cuội thì làm sao sống ở đây được nhỉ? cho dù đã biết nó qua sách vở rằng nó chỉ là một vệ tinh mà thôi. Cho tới khi sở hữu 1 cái kính, chúng ta suốt ngày leo lên nóc nhà hay đi tới 1 vùng phẳng và ít ô nhiễm sáng để dán mắt vào thị kính, tìm tòi quan sát.

Tuy vậy, với mình, thiên văn lại đến như là 1 điều tình cờ, và nó cũng mang tới một nỗi buồn man mác, chỉ vì mình yêu môn khoa học này nên mình cũng qua nó mà buồn. Nhiều khi bị trách mắng vì kết quả học thấp đi, cũng do mình thích nó. Cũng vì nó mà mình mua qua 1 nhiều sách nên có khi phải ăn mì thay cơm. Có khi, bị ốm cũng vì ở ngoài trời lạnh quá lâu, cả tuần liền. Nhưng cái chính, mình rất thích nhìn dòng sông sao- dải ngân hà. Thật buồn là tên của người ấy cũng làm cho mình liên tưởng tới ?Dòng sông ngân?. Mỗi lần nhìn lên dòng sông sao, lại nhớ tới người ấy, một tình cảm đẹp, những lần mưa sao băng ước ao gửi theo chúng,? Bây giờ, chính bầu trời sao và dòng sông sao với sự tích ?Ngưu lang- Chức nữ? ấy lại là một kỷ niệm đẹp, vừa như nhắn nhủ mình tiếp tục niềm đam mê với thiên văn, vừa là một cái gì hiện hữu mà hình như nhờ nó tình cảm cảu tôi được lưu giữ và chôn chặt.

Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng không thể sống một mình, và trong thiên văn chúng ta cũng luôn có những người đồng cảm và cùng trao đổi học hành. Mình đã từng tham gia online trao đổi đọc tài liệu tại ttvnol box thiên văn học, tuy nhiên sau này thì mình còn tham gia CLB thiên văn HAAC. Chính nhờ việc tham gia clb, mình làm quen được nhiều bạn cùng niềm đam mê, cùng họp nhau tham gia những hoạt động phổ biến thiên văn, cùng làm những dự án về CLB, và được thấy tận mắt cũng như làm và tự tay dùng những chiếc kính tự chế đề quan sát và hướng dẫn những bạn khác. Với mục đích phổ biến hay phát triển bộ môn thiên văn nhiều hơn tói mọi người, nhiều hoạt động đã diễn ra cùng với rất nhiều các bạn trong các CLB thiên văn khác trong cả nước để hưởng ứng và nhân rộng. Điều này mang lại cho chúng ta rất nhiều kỉ niệm. Nếu như trước kia mình chỉ quan sát một mình, thì nay đã quan sát theo nhóm. Nhớ những lần lỉnh kỉnh mang vác kính, hay cả đêm nguyên một nhóm hì hục chỉnh kính và những bản đồ sao quay, hay tranh cãi vị trí các tinh vân và chòm sao, rồi những kiến thức thiên văn phổ thông kèm theo nó để cùng nhau nắm bắt thêm những vấn đề. Không biết bao lần đi họp bàn chung rồi ăn uống vui chơi, tham gia các hoạt động phổ biến kiến thức, gặp gỡ các bạn CLB khác hay thành viên và các em học sinh, dù ốm hay kiệt sức nhưng vẫn rất vui vẻ và nhiệt tình. Có lẽ chỉ có niềm đam mê và tình cảm chân thành giữa các thành viên mới giúp chúng ta cùng hướng tới niềm đam mê chung. Nhiều khi, lo việc quá, tới lúc mà nhìn lên trời, chỉ vào sao Sirius và chòm Orion, thứ mà nhìn hoài nhìn mãi ko biết chán và cứ vặn óc ra nghĩ :?Ủa chòm sao nào vậy ta??. Chỉ có một mơ ước nhỏ, mong sao môn học này sẽ phát triển ở Việt Nam hơn nữa và mình sẽ trở thành 1 nhà thiên văn học như GS Trịnh Xuân Thuận hay GS Nguyễn Quang Riệu đã làm.

Con đường và niềm đam mê với thiên văn, với bầu trời của mình là như thế đấy. Còn bạn, những người yêu thiên văn như mình thì sao?

Tư liệu cuộc thi Vũ Trụ Trong Mắt Ta.
Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 4/2010 Kết quả cuộc thi "Vũ trụ trong mắt ta" tháng 4/2010 Reviewed by Unknown on Thứ Sáu, tháng 4 30, 2010 Rating: 5

Không có nhận xét nào

Đăng ký thành viên